Hàng ngày, chúng ta sống trong môi trường và tồn tại cùng nó. Vậy các chức năng của môi trường gồm những gì? Cùng theo dõi bài viết để biết chức năng của môi trường và tầm quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta nhé.
Môi trường là gì?
Trước khi tìm hiểu về các chức năng của môi trường, thì cùng tìm hiểu xem môi trường là gì nhé.
Môi trường được hiểu là tất cả những yếu tố xung quanh chúng ta. Nó bao gồm cả yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân tạo xung quanh con người.
Nói một cách dễ hiểu nhất, môi trường gồm các yếu tố như không khí, đất nước, độ ẩm, các sinh vật, thể chế xã hội xung quanh chúng ta. Những yếu tố này sẽ tác động và gây ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động của con người.
Phân loại môi trường
Môi trường sẽ bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên là tất các các yếu tố tự nhiên trên trái đất. Bao gồm:
- Thạch quyển: môi trường đất, bao gồm các bộ phận như vỏ Trái Đất, đáy đại dương. Môi trường đất là nơi sinh vật sinh sống
- Khí quyển: môi trường không khí
- Thủy quyển: môi trường nước
- Sinh quyển: môi trường sinh vật ( động thực vật, con người… )
Các chức năng của môi trường
Môi trường là không gian sống của con người và sinh vật
Khi kể đến các chức năng của môi trường, trước hết nó là nơi tạo không gian sinh sống của thế giới loài người và sinh vật. Đối với loài vật, môi trường cung cấp không gian sống như rừng, đồng ruộng,… Còn những nơi mà chúng ta thấy như nhà ở, các công trình, nơi sản xuất… đều là không gian sống của con người.
Môi trường cung cấp không gian sống với những tiêu chuẩn nhất định như vật lý, sinh học, hóa học…Cùng với sự phát triển của nhiều yếu tố, không gian sống của chúng ta ngày càng có sự thay đổi. Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, đời sống con người nâng cao, đã vô tình làm cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Môi trường cung cấp tài nguyên cho đời sống sinh hoạt của con người
Chúng ta sinh sống và trải qua theo tiến trình phát triển của lịch sử. Qua những giai đoạn khác nhau đều có sự phát triển trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, nhu cầu của con người đối với tự nhiên cũng ngày một tăng lên. Điều đó đòi hỏi chức năng của môi trường chính là nơi cung cấp tài nguyên cho con người.
Các nhóm tài nguyên mà môi trường cung cấp đến cho con người gồm:
Rừng: cung cấp hệ sinh thái đa dạng (cây gỗ quý, thảm thực vật, dược liệu… )
Động, thực vật: tạo nguồn lương thực, thực phẩm, nguồn gen.
Các yếu tố không khí, nước, gió: các yếu tố này có chức năng duy trì sự sống và trao đổi chất của con người
Các loại khoáng sản: gồm quặng, dầu mỏ, than đá…phục vụ cho hoạt động sản xuất của con người
Các thủy lực: đây là yếu tố cung cấp nguồn nước, chất dinh dưỡng, nguồn thủy hải sản phong phú
Môi trường là nơi chứa đựng chất thải của con người
Trong quá trình lao động và sản xuất, con người thải ra những chất vào môi trường. Chức năng của môi trường lúc này là phân hủy các chất từ phức tạp đến đơn giản, để tham gia vào các quá trình sinh địa hóa. Chính chức năng môi trường này biến đổi các chất thải sau một thời gian để quay trở lại thành nguyên liệu của tự nhiên.
Nhưng ngày nay, bùng nổ dân số cũng như ngành công nghiệp phát triển, sự tác động lên môi trường gia tăng không ngừng. Điều này dẫn đến chức năng của môi trường trong việc phân hủy chất thải bị quá tải và yếu dần. Khả năng môi trường thu nhận để phân hủy cùng một khu vực (khả năng đệm) bị ảnh hưởng và khó khăn hơn rất nhiều. Hậu quả có thể thấy rõ đó là môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chức năng của môi trường trong cung cấp và lưu trữ thông tin
Một chức năng quan trọng của môi trường nữa là khả năng cung cấp thông tin và lưu trữ hiệu quả cho con người. Như chúng ta đã biết, lịch sử tiến hóa của loài người trải qua hàng trăm năm. Môi trường sẽ có chức năng ghi chép và lưu trữ lại những lịch sử này của trái đất. Đó là những vẻ đẹp, cảnh quan thẩm mỹ, hệ sinh thái đa dạng…
Ngoài ra, môi trường còn cung cấp thông tin quan trọng trong dự báo thiên tai, hiểm họa đến con người. Ví dụ thông qua những phản ứng của sinh vật sống để phát hiện những hiện tượng tai ướng có thể xảy ra (núi lửa, sóng thần, động đất, bão, lũ… ). Từ đó con người có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Chức năng của môi trường trong việc bảo vệ con người từ tác động bên ngoài
Không chỉ cung cấp không gian, tài nguyên cho hoạt động sản xuất mà môi trường còn bảo vệ chúng ta nữa. Những tác động từ bên ngoài như các tia cực tím hay các tia sáng có hại từ mặt trời chiếu xuống được tầng ozon ngăn chặn. Tầng này có nhiệm vụ hấp thụ và phản xạ lại các tia hại từ năng lượng mặt trời.
Như vậy, từ các chức năng của môi trường trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống của con người. Mỗi chúng ta cần phải có ý thức chung tay bảo vệ môi trường để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.